Nông Nghiệp Số

Nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam

Nông Nghiệp Số

Nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam

Làng thông minh - hướng tiếp cận mới cho phát triển nông thôn trong kỷ nguyên số

05/03/2021 5289 lượt xem

   "Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị có thể xa về mặt địa lý nhưng đối với công nghệ trong kỷ nguyên số thì chỉ tính bằng giây, bằng một cái click"

    Hãy thử tượng tượng rằng khi chúng ta đang ở nhà hay khi giải lao sau những giờ làm việc mệt mỏi tại công sở, bằng các ứng dụng trên smartphone chúng ta có thể biết được vùng bản Lác (huyện Mai Châu, Hoà Bình) có những đặc điểm văn hoá gì? có những homestay nào đang đạt tiêu chuẩn 3-4 sao OCOP, số lượt du khách ghé thăm nó trên Booking.vn đạt bao nhiêu? có dịch vụ du lịch cộng đồng gì? món ăn đặc trưng của vùng đó cho 5-6 du khách trong ngày 30/4 tới được phục vụ ra sao? Có gì đặc trưng ở đó để mua về? đi đến đó bằng phương tiện gì, an ninh có đảm bảo hay không?…và cuối cùng chúng ta đặt dịch vụ, thanh toán qua mobile và trải nghiệm. Nghe thật thú vị và có vẻ trong tương lai xa? Nhưng thực tế, trong cuộc cách mạng về khoa học công nghệ hiện nay các tiện ích này đã và đang hình thành. Nó xuất phát từ yêu cầu của một cuộc sống đòi hỏi mọi thứ được vận hành một cách nhanh chóng hơn, tiện lợi hơn, chất lượng cao hơn. Và quan trọng nhất, những ai phát hiện ra được nhu cầu và mô hình hoá được các giải pháp để đáp ứng được các nhu cầu này của cuộc sống người đó sẽ về đích trước trong kỷ nguyên số.

   Việt Nam chúng ta là đất nước có tỷ trọng Nông nghiệp đóng góp 15% cho nền kinh tế nhưng có đến gần 60% lao động phục vụ trong lĩnh vực này và sống ở khu vực nông thôn, sinh kế của họ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Từ sản xuất nông nghiệp, kết hợp với nền văn hoá bản địa các sản phẩm phi nông nghiệp cũng được hình thành trên lãnh thổ chúng ta như du lịch cộng đồng ở Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hoà Bình, Hà Giang, Tiền Giang, Huế…, có nơi kết hợp với du lịch tâm linh…từ đó tạo ra một bức tranh kinh tế nông nghiệp nhiều màu sắc, có nhiều tiềm năng phát triển nếu được khai thác phù hợp.

  Du lịch nông thôn, cộng đồng đã có những kết quả nhất định, cải thiện được sinh kế cho bà con dân tộc và người dân vùng nông thôn thông qua bán các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp tại chỗ, giúp tránh được tình trạng ly hương - ly nông, giúp người dân được giao lưu văn hoá với du khách trong nước và quốc tế. Từ đó quảng bá được hình ảnh, văn hoá, ẩm thực, trang phục của người dân vùng đất xứ Mường đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện để nâng cao chất lượng dịch vụ như vệ sinh, phòng ngủ, an toàn vệ sinh thực phẩm trong ẩm thực, trang phục dân tộc, nội dung tham quan, thông tin du lịch, hình thức thanh toán, đặt tour…

   Vậy vấn đề đã từng bước được phát hiện và cơ hội của chúng ta là sử dụng công nghệ kết hợp với các giá trị bản địa để phát huy hết sự sáng tạo trong cộng đồng dân cư vùng nông thôn để xây dựng nên nền nông nghiệp tiến tiến, du lịch chất lượng cao, nông thôn trù phú và chúng tôi muốn đề xuất một mô hình mới là: Làng thông minh.

   Hiện nay chúng ta đang nói rất nhiều về thành phố thông minh (smart city) nhưng suy cho cùng đối tượng phục vụ của sự thông minh là con người cho nên người dân ở khu vực nông thôn cũng có những nhu cầu phục vụ thông minh, chỉ khác nhau ở mức độ về nhu cầu, quy mô và tính cấp bách mà thôi.

    Làng thông minh (Smart Village) hay nói rộng hơn là cộng đồng thông minh, ứng dụng công nghệ kết nối để có nông nghiệp thông minh, du lịch truyền thống phù hợp phong cách du lịch mới (đặt tour, homestay, du lịch cộng đồng, ẩm thực, thanh toán không tiền mặt …qua internet), môi trường được quan trắc, giám sát và báo cáo hàng ngày, sức khoẻ người dân và du khách được đảm bảo (y tế thông minh)…, và chắc chắn Làng thông minh cần một thiết chế được số hoá có khả năng quản lý và vận hành các đối tượng trong đó để đảm bảo được sự phát triển của mình bằng các giá trị truyền thống kết hợp với công nghệ.

     Khái niệm về Làng thông minh đề cập đến các khu vực nông thôn và những cộng đồng ở đó nó được xây dựng dựa trên thế mạnh và tài sản hiện có của họ cũng như việc phát triển các cơ hội mới. Trong Làng thông minh, các giá trị truyền thống và dịch vụ mới được tăng cường bằng các phương tiện kỹ thuật số, công nghệ viễn thông, đổi mới sáng tạo và việc sử dụng tri thức tốt hơn, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Công nghệ kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo có thể hỗ trợ chất lượng cuộc sống, mức sống cao hơn, dịch vụ công cộng cho công dân, sử dụng tài nguyên tốt hơn, ít tác động đến môi trường hơn và cơ hội mới cho chuỗi giá trị nông thôn về sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp. Khái niệm Làng thông minh không đề xuất giải pháp phù hợp cho tất cả các làng trên cả nước, nó rất nhạy cảm về mặt phạm vi địa lý, dựa trên nhu cầu và tiềm năng của những vùng văn hoá tương ứng.

    Công nghệ rất quan trọng cũng như là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh doanh, vốn nhân lực, năng lực và xây dựng cộng đồng. Việc quản trị tốt và sự tham gia của công dân cũng là chìa khóa cho Làng thông minh. Khi có công nghệ số, nó sẽ giúp các thế hệ tương lai được sinh ra và lớn lên từ Làng được tiếp cận các kỹ năng đọc viết điện tử, tiếp cận với y tế điện tử và các dịch vụ cơ bản khác, giải pháp sáng tạo cho các vấn đề môi trường, ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào chất thải nông nghiệp, quảng bá các sản phẩm địa phương được hỗ trợ bởi công nghệ số qua đó gia tăng lợi ích của các dự án nông nghiệp thực phẩm thông minh, du lịch và các hoạt động văn hóa. Trên hết nó giúp tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế cả nước, giúp cho “khoảng cách” giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp.

    Từ năm 2016 Uỷ ban châu Âu đã phối hợp với Nghị viện châu Âu đưa ra chính sách xây dựng thí điểm Làng thông minh giai đoạn 2016-2020 với tên gọi là “Châu Âu hành động vì Làng thông minh” tại một số nước lấy nền tảng là công nghệ kết nối với giá trị bản địa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị châu Âu và giúp cho người dân nông thôn có việc làm, cuộc sống thịnh vượng. Điều đó cho thấy nếu chúng ta bắt đầu xây dựng Làng thông minh theo phong cách Việt Nam từ bây giờ thì khoảng cách với thế giới sẽ dần được thu hẹp, đời sống người dân vùng nông thôn sẽ được nâng cao.

    Sau nhiều năm thông qua chương trình NTM, diện mạo nông thôn đã thay đổi, cơ sở hạ tầng được nâng cấp nhiều, thiết chế làng xã được gắn với việc phục vụ người dân nhiều hơn, hạ tầng viễn thông - công nghệ được phục vụ tận thôn bản, người dân có sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều và đặc biệt các vấn đề phát sinh trong cộng đồng nông thôn ngày càng hiện ra. Chính phủ cũng đã ban hành một chương trình phát triển nông thôn theo hướng nội sinh là OCOP, điều này khơi dậy một phong trào khởi nghiệp dựa trên các thế mạnh sẵn có và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng nông thôn. Đây là những tiền đề để ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kết nối nhằm xây dựng các dịch vụ, sản phẩm nông thôn tốt hơn, phù hợp với xu thế hơn.

Lê Anh Hoàng - HTX Nông nghiệp Số
(Tham luận tại Diễn đàn kết nối OCOP toàn cầu).

Mời bạn tham khảo thêm bài viết: Mô hình xây dựng Xã Thông Minh - Nông thôn mới thông minh

Chia sẻ:
Top