Nong Nghiep So

Raising the value of Vietnamese agriculture

Nghiên cứu xây dựng các mô hình làng thông minh, xã kết nối phù hợp với đặc thù nông nghiệp mới Việt Nam

27/10/2021 16691 views
Click để tải tài liệu hội thảo

Trong khuôn khổ thực hiện Đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng làng thông minh, xã kết nối góp phần hiện đại hóa nông thôn”, ngày 23/10/2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Số tổ chức Hội thảo trực tuyến về chủ đề “Lý luận, thực tiễn và định hướng xây dựng Làng thông minh – Xã kết nối (LTM – XKN)”. Hội thảo có sự tham gia và tham luận của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và các xã đang triển khai thí điểm tại Thừa Thiên Huế nhằm mục đích chia sẻ, thảo luận về các kết quả nghiên cứu mô hình Làng thông minh trên thế giới và các định hướng xây dựng, phát triển mô hình LTM – XKN gắn với các sáng kiến Nông thôn mới tại Việt Nam.

Hội thảo trực tuyến với sự tham gia của gần 100 đại biểu tại 72 điểm cầu. Trong đó, điểm cầu chính tại trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Số với sự chủ trì của PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh – Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Phạm Quang Hà – Chủ tịch HĐKH Nông nghiệp Số đồng chủ trì, cùng một số thành viên nghiên cứu chính của Đề tài đến từ HTX Nông nghiệp Số, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn. Tại các điểm cầu khác gồm: VPĐP NTM Trung Ương; Lãnh đạo các Cục/Vụ trực thuộc bộ Nông nghiệp; Các nhà khoa học từ Viện/trường/trung tâm nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số; Lãnh đạo/đại diện các Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối Nông thôn mới; Chi cục Phát triển Nông thôn 52 tỉnh/Thành phố.

Tại hội thảo, một số nội dung nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn quan trọng trong định hướng phát triển mô hình Làng thông minh – Xã kết nối được các nhà khoa học trình bày và thảo luận tại hội thảo như:

“Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Làng thông minh ứng dụng công nghệ số” do PGS.TS Phạm Quang Hà trình bày, với nội dung nhấn mạnh mối liên hệ giữa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và hiệu quả việc triển khai mô hình làng thông minh trên thế giới.

Hình 1. PGS.TS Phạm Quang Hà trình bày kết quả nghiên cứu

Để ánh xạ các lý luận và kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn mô hình tổ chức, điều hành của chính quyền, Ths. Lê Trọng Hải (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) trình bày về Khung pháp lý, thể chế, chức năng các trụ cột, hạ tầng số xây dựng “Làng thông minh – Xã kết nối” trên cơ sở thực tiễn về xây dựng nông thôn mới. Nội dung đã đưa ra một số kết luận quan trọng như: (1) Sự hợp lực của chính quyền, khối tư nhân và cộng đồng nhằm đảm bảo thúc đẩy các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong mô hình LTM - XKN; (2) Khung pháp lý, thể chế chính sách làng thông minh không tách rời với các chiến lược phát triển nông thôn bền vững và chính sách phát triển nông thôn; (3) Việt Nam chưa có cơ chế chính sách riêng cho phát triển làng thông minh, nhưng khung pháp lý và cơ chế chính sách phát triển nông thôn thời gian qua đã có đề cập; (4) Cần có một lộ trình bài bản từ xây dựng tiêu chí đến thí điểm mô hình và nhân rộng phát triển làng thông minh.

Căn cứ kinh nghiệm quốc tế, với tiếp cận các chỉ tiêu trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và thực tiễn nông thôn mới tại Việt Nam, PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh (CNĐT) trình bày nội dung đề xuất bộ tiêu chí Làng thông minh – Xã kết nối với 6 nhóm tiêu chí chính, với 27 tiêu chí cụ thể, bào gồm các nhóm về hạ tầng – thiết chế, dịch vụ nông thôn số, sáng tạo địa phương, tính bền vững trong phát triển mô hình, vấn đề kết nối nông thôn – thành thị trong việc giảm khoảng cách số, và các chỉ tiêu thuộc nhóm phát triển hướng đến cộng đồng.

Hình 2. PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh trình bày bộ tiêu chí LTM - XKN

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh nhấn mạnh rằng “Không có hình mẫu cụ thể nào cho mô hình Làng thông minh – Xã kết nối. Do đó, bộ tiêu chí đề xuất là bộ tiêu chí có tính chất “khung” để các địa phương thực hiện cụ thể hoá các đặc thù của địa phương, như: tính sáng tạo địa phương, vấn đề phát triển tại địa phương hay tính bền vững mỗi địa phương mỗi khác”.

Tại Việt Nam, một phần giải pháp Làng thông minh – Xã kết nối được vận dụng linh hoạt vào mô hình Xã thông minh tại Thừa Thiên Huế do HTX Nông nghiệp Số phối hợp cùng Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) triển khai tại xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), và xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) được thể hiện qua phần trình bày đầy tính thực tiễn của TS. Hoàng Bảo Hùng (Giám đốc HueCIT).

Hình 3. TS. Hoàng Bảo Hùng trình bày một số ứng dụng Xã thông minh

Tại phiên thảo luận hội thảo, có sự tham gia trình bày và góp ý của các nhà khoa học và quản lý khác như: PGS.TS Đào Thế Anh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), TS. Nguyễn Văn Thịnh (Văn phòng Chương trình KHCN Nông thôn mới), TS. Nguyễn Quốc Định (Lĩnh vực địa chất), TS. Võ Thanh Sơn (Lĩnh vực Biến đổi khí khậu), Ông Hồ Trúc Thanh, PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương. Sự trao đổi góp ý của đại diện các VPĐP NTM tỉnh về bộ tiêu chí và định hướng kế hoạch triển khai Làng thông minh – Xã kết nối tại các địa phương. Một số vấn đề góp ý được các đại biểu nhấn mạnh như:

  • Đề cao tiêu chí “Sáng tạo địa phương” trong mô hình LTM - XKN. Nên bổ sung các tiêu chí về việc thích ứng biến đổi khí hậu và gắn bới phát triển bền vững.
  • Cần đẩy nhanh tiến trình ứng dụng thực tiễn với nhiều địa phương khác nhau để có bài học kinh nghiệm và hoàn thiện bộ tiêu chí.
  • Việc triển khai các giải pháp công nghệ số trong mô hình cần đơn giản dễ dùng để không tạo ra các khoảng cách số giữa người dân và chính quyền.
  • Phát triển Làng thông minh lấy người dân làm trung tâm, tập trung hỗ trợ thay đổi đời sống người dân nông thôn văn minh, thông minh hơn, không đồng nhất Làng thông minh với làng công nghệ hay tiến trình chuyển đổi khác.

 

Kết thúc hội thảo, HTX Nông nghiệp Số tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện các nội dung nghiên cứu, đặc biệt là Bộ tiêu chí Làng thông minh – Xã kết nối.

 

Share:
Top