Nông Nghiệp Số

Nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam

Nông Nghiệp Số

Nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam

HTX NNS tổ chức hội thảo thúc đẩy 'số hóa' ngành nông nghiệp

27/03/2021 2668 lượt xem

Ngày 26/3 tại Hà Nội, Hợp tác xã Nông nghiệp Số phối hợp cùng Cục Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp hướng tới chuyển đổi số.

Tại Hội thảo, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là một trong tám ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Trong đó có chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác… Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham gia số hóa sản phẩm.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành nông nghiệp Việt Nam. Internet, trí tuệ nhân tạo đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp; ứng dụng robot trong nông nghiệp có thể giúp cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất...

Thiết bị bay không người lái (UAV) được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật; các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác đang được áp dụng để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước, phân bón...

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh và TS. Phạm Vũ Minh Tú (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) chia sẻ: Để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn và cơ sở tri thức của ngành về đất đai, cây  trồng, vật nuôi, thuỷ sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp (trên không, mặt đất) phụ vụ hoạt động nông nghiệp. Cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Cùng đó, cần chuẩn hoá và tự động hoá quy trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; tự động hoá, cơ giới hoá sản xuất, quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm hướng đến một nền nông nghiệp được cơ giới hoá đồng bộ. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số tạo nên một mô hình nông thôn thông minh.

Khó khăn hiện nay, đó là trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau.

Nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do đó, cần đào tạo kỹ năng số cho nông dân áp dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Chuyển đổi số OCOP

Ông Lê Anh Hoàng, Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp số (Hà Nội) cho biết, sự hiện diện của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra nhiều cơ hội để các chủ thể OCOP (các nhà sản xuất sản phẩm OCOP) chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, định hướng sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thị trường trong nước và xa hơn là thị trường xuất khẩu. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Có thể thấy rằng, tính đến thời điểm hiện tại, chương trình OCOP của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương được gìn giữ, bảo tồn và phát triển, đảm bảo sinh kế cho người dân nông thôn.

'Trong tương lai, để chương trình OCOP thành công hơn nữa, ngoài sự nỗ lực của các chủ thể OCOP, sự vào cuộc và hỗ trợ của nhà nước thì các yếu tố về chuyển đổi số OCOP cũng cực kỳ quan trọng và giúp tiến trình phát triển chương trình OCOP thuận lợi và có những bước tiến nhanh hơn”, ông Hoàng nhấn mạnh.


Ông Lê Anh Hoàng, Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Số (Hà Nội)


“Chuyển đổi số OCOP” cần xuất phát từ chính nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể OCOP.

Cũng theo ông Hoàng, để 'Chuyển đổi số OCOP', cần xuất phát từ chính nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể OCOP, công tác quản lý nhà nước và mục tiêu hướng tới mục tiêu đơn giản về công nghệ, thuận tiện cho người sử dụng.


Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động tại hội thảo:



 

Chia sẻ:
Top