PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh[1], Lê Anh Hoàng[2]
Chuyển đổi số hiện nay là từ khoá được quan tâm nhất không riêng tại Việt Nam và còn cả trên thế giới. Mức độ tiếp cận, vận dụng Chuyển đổi số thì lại đang khác nhau dựa trên trình độ phát triển của mỗi quốc gia và với các quốc giá đang phát triển, phụ thuộc vào mức độ quan tâm và lãnh đạo của quốc gia. Chuyển đổi số có được các tác động hết sức to lớn, và nó thể hiện rất rõ trên các bộ chỉ số đánh giá của thế giới, thành quả chuyển đổi số được thể hiện vào thực tiễn ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và Trung Quốc. Xét về khía cạnh công nghệ trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì tiến trình chuyển đổi số về bản chất phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng các công nghệ lõi và sự phát triển khoa học tự nhiên mà chúng ta thường ít nhắc đến mà chỉ nghĩ rằng tầng ứng dụng là biểu thị của sự về đích của chuyển đổi số.
Vậy, nền tảng khoa học tự nhiên được nói đến ở đây là gì? Đó là Toán học, Vật lý, Sinh học và đặc biệt là Tin học. Đây cũng chính là nền tảng của một quốc gia nếu muốn bước vào công cuộc chuyển đổi số.
Đất nước ta mặc dù chưa sáng chế, làm chủ các công nghệ lõi trong các lĩnh vực như 5G/6G, AI, BigData, AR/VR, UAV, IoT…nhưng lại có một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học tự nhiên có khả năng xác định và đưa ra các giải pháp căn bản dựa trên khoa học phục vụ cho việc xây dựng các ứng dụng, tối ưu các tham số trên các công nghệ lõi để phục vụ cho các lĩnh vực nòng cốt, thế mạnh của đất nước như nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và vấn đề logistic, phân phối thị trường.
Các bài toán đặt ra hoặc cần chúng ta xây dựng từ lĩnh vực nông, lâm, thuỷ hải sản, thực phẩm và khu vực nông thôn nhằm phục vụ cho công tác quản lý ngành, phục vụ cho người dân vẫn được lấp đầy hàng ngày. Tuy nhiên, việc tìm lời giải và có lời giải tối ưu cho các đề bài đó vẫn chưa tìm được, nguyên nhân là chúng ta đang tách rời các khoa học với nhau. Chúng ta thường hay cho rằng vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân là việc của các nhà khoa học nông nghiệp mà quên rằng đó là các vấn đề hội tụ, là các hàm nhiều biến, nhiều phương trình và việc cùng thiết lập bài toán với nhau trên cơ sở tri thức ngành mới tìm ra được đáp số tốt nhất.
Việc xây dựng được các mô hình tính toán, thu thập dữ liệu, rồi xử lý số liệu, dự đoán xác suất xẩy ra mà chúng ta vẫn dùng trên các ứng dụng, các công nghệ mới trong CMCN4.0 là AI, Big Data, IoT…chính là biểu hiện của Toán học, đó là xác suất thống kê, là toán tối ưu toàn cục, là toán rời rạc, là topo, là automat…và được chuyển hoá thành Tin học.
TS Alan Phan từng nói “Việt Nam có hai lợi thế để phát triển được đất nước đó là nông nghiệp và công nghệ thông tin”. Toán học và Tin học chuyên ngành vô cùng quan trong của một đất nước trong kỷ nguuyên 4.0 và không xa là 5.0, nó phải được hoà quyện với những lĩnh vực khoa học thường thức như nông nghiệp, sinh học, tài nguyên đất, nước, rừng…thì mới khai thác tối ưu được “nguyên khí” và “tài nguyên” của Việt Nam ta.
Hiện nay, các hoạt động của Chuyển đổi số đã được thể chế hoá qua các Nghị quyết của Đảng, Quyết định của Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc sâu rộng. Một số mô hình hay về chuyển đổi số đối với các trục Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số cũng đã được đúc rút, tuy nhiên vẫn thiếu các “nền tảng thực thụ” là nền tảng tri thức ngành. Chúng ta cần tận dụng những giá trị tốt đẹp của tiến trình này nhằm đưa Toán học và Tin học vào thực tiễn các lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước.
Do đó, Hội thảo “Toán tin ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp, thực phẩm và nông thôn” do Trung tâm UNESCO về Toán học thuộc Viện Toán học Việt Nam cùng phối hợp tổ chức cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hợp tác xã Nông nghiệp Số là một diễn đàn để các nhà khoa học liên ngành, xuyên ngành có thể làm việc với nhau để hội tụ các khoa học nhằm đưa Việt Nam tham gia tiến trình chuyển đổi số một cách căn cơ nhất.
[1] Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông
[2] Hợp tác xã Nông nghiệp Số