Nong Nghiep So

Raising the value of Vietnamese agriculture

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, HƯỚNG TỚI NÔNG THÔN THÔNG MINH

04/08/2022 30931 views

Ngày 02/08/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025.

Chương trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ban ngành có liên quan và UBND các tỉnh/TP phối hợp thực hiện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới và tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Phạm vi triển khai của chương trình ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo) đến hết năm 2025 với các mục tiêu cụ thể:

Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Từ năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp số đã đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là chương trình Nông thôn mới. Điều này được thể hiện ở kết quả của đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng làng thông minh, xã kết nối góp phần hiện đại hóa nông thôn” như: Hoàn thiện xây dựng mô hình Làng thông minh - Xã kết nối tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; Đề xuất dự thảo bộ tiêu chí Làng thông minh - Xã kết nối; Ứng dụng một số giải pháp công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi số khu vực nông thôn, cung cấp các giải pháp ứng dụng trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, an ninh, quản lý chính quyền… cho cán bộ xã, thôn và người dân trên địa bàn xã (Trung tâm điều hành Làng thông minh, Phần mềm hỗ trợ điều hành và quản lý sản xuất nông nghiệp, Phần mềm tương tác chính quyền và người dân; Hệ thống quản lý an ninh thôn xóm bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo; Hệ thống quan trắc môi trường; Tham quan làng ảo…). 

Hình ảnh đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ và người dân tại xã Phong Hòa

Hệ thống quản lý an ninh thôn xóm bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo

Ngoài ra, HTX NNS cũng đang triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ nông thôn thông minh để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh với đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế” tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền và xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc. Với những kết quả đạt được đó, HTX NNS đang tích cực phối hợp với các bộ ban ngành và chính quyền các địa phương để ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh và nền nông nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam. 

 
Share:
Top