Sáng ngày 06/7, tại Hà Nội, Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Số phối hợp với Trung tâm Chuyển Đổi Số và Tin học thống kê (Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn) giới thiệu về định hướng xây dựng nông thôn thông minh gắn với chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các chuyên gia đến từ Công ty Rynan Technologies, Hợp tác xã Nông nghiệp số cùng các thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT, lãnh đạo và các cán bộ chuyên trách của các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tham dự và chủ trì hội nghị.
Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số cho các cán bộ công chức, viên chức của Bộ NN-PTNT
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết: Trong thời gian gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một mục tiêu lớn được thực thi mạnh mẽ ở câp trung ương và địa phương. Ngành nông nghiệp đã được lựa chọn là một trong tám lĩnh vực ưu tiên của chính phủ trong việc triển khai thực hiện CĐS. CĐS trong nông nghiệp mang lại giá trị cho người dùng, hướng tới người dùng và quan tâm đến hiệu quả lợi ích và giá trị của người dùng – chính là các cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. CĐS chính là chuyển đổi cách làm từ nhận thức đến hành động và chỉ có nhận thức đúng, hành động đúng thì sẽ có phương pháp đúng. CĐS chỉ có thành công khi thực hiện mọi nơi, mọi lúc với tất cả trách nhiệm của mọi chủ thể.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: CĐS quan trọng nhất là nhận thức. Muốn CĐS hiệu quả thì trước tiên phải có nhận thức tốt, thái độ tốt. Theo Thứ trưởng, CĐS trước hết là tận dụng tất cả cơ hội mà chính chúng ta đang có, chỉ cần số hóa các thông tin hiện có ở các đơn vị, số hóa các quy trình công việc chúng ta đang có, tiếp theo mới đến các dữ liệu lớn. Nếu chúng ta không CĐS trong ngành nông nghiệp thì chắc chắn câu chuyện chuyển từ năng suất, sản lượng sang sản xuất nâng cao giá trị kinh tế là rất khó. Thứ trưởng mong muốn sau hội nghị ngày hôm nay, các đơn vị sẽ bắt tay vào công tác CĐS ở đơn vị mình với thái độ tốt hơn, trong đó thủ trưởng các đơn vị phải là người đi đầu thực hiện một cách nghiêm túc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, muốn CĐS hiệu quả thì trước tiên phải có nhận thức tốt, thái độ tốt
Theo ông Nguyễn Thanh Thảo - Trưởng phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhìn từ góc độ định hướng CĐS của quốc gia, ngành nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình CĐS quốc gia có ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế số là nhiệm vụ cơ bản nhất và được ưu tiên thúc đẩy phát triển trước, trong đó ngành nông nghiệp là một trong những ngành trụ cột. Các hoạt động cung cấp dịch vụ, công tác quản lý nhà nước trong khối các cơ quan bộ là thuộc nhóm phát triển chính phủ số. Khi chúng ta nâng cao năng lực CĐS trong công tác quản lý thì lúc đó sẽ thúc đẩy lĩnh vực kinh tế nông nghiệp mà chúng ta quản lý, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế sô nói chung cũng nhưng kinh tế số nông nghiệp nói riêng. Chủ đề của năm 2023 là năm Dữ liệu số, ông Thảo hoàn toàn nhất trí với nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp rằng trước hết các đơn vị trong ngành nông nghiệp cần số hóa các thông tin, quy trình công việc hiện có, góp phần không nhỏ trong thành công của chương trình CĐS. “CĐS là làm khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số”, ông Thảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Thảo - Trưởng phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông)
Ông Đỗ Minh Phương, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, thực trạng dữ liệu của ngành nông nghiệp hiện nay có hơn 100 cơ sở dữ liệu toàn ngành, trong đó khoảng 50 CSDL còn hoạt động, còn lại hoạt động cầm chừng hoặc đã ngừng hoạt động. Các dữ liệu được xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau trong quá khứ, thiếu sự liên kết về nội dung và cấu trúc, nhiều CSDL không được cập nhật, bảo mật hệ thống không tốt, thiếu đồng bộ, nhiều lĩnh vực chưa có số liệu đầy đủ. Năm 2023 là năm Dữ liệu số, chính vì vậy mục tiêu của Bộ NN-PTNT là xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN-PTNT phục vụ tra cứu, cập nhật, phân tích và kết xuất thông tin tiện lợi, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu về dữ liệu của ngành và hướng tới kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Tĩnh – PTGĐ HTX Nông nghiệp Số đã trình bày về phương pháp tư duy, cách thức tiếp cận và các định hướng chuyển đổi số cho khu vực nông thôn với các phương châm như: (1) Lấy người dân nông thôn làm trung tâm; (2) Triển khai các giải pháp hướng dịch vụ và có tính tích hợp cao; (3) Lấy công nghệ số là công cụ, tri thức ngành làm dữ liệu và lấy sáng kiến cộng đồng/nhu cầu thực tiễn làm nên giải pháp. Tránh việc ứng dụng mang tính áp đặt mà cần thâm nhập và thấu hiểu nông thôn.
Ông Nguyễn Đình Tĩnh – PTGĐ HTX Nông nghiệp Số trình bày tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đại diện Công ty Rynan Techlonogies giới thiệu kinh nghiệm về xây dựng hệ sinh thía thu thập và quản lý dữ liệu sản xuất nông nghiệp cho tỉnh Đồng Tháp.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng CĐS càng đơn giản càng thành công. Nó chỉ phức tạp khi chúng ta không muốn làm”. Trong kiến trúc CSDL của Bộ thì các đơn vị phải chủ động làm. Cùng với đó, Bộ sẽ có chỉ đạo đồng bộ ở các địa phương. Hiện nay đã có ba tỉnh làm thí điểm là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang. Quá trình thí điểm cần phải sớm kết thúc để triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương.
Toàn cảnh hội nghị
Nguồn: mard.gov.vn