Nong Nghiep So

Raising the value of Vietnamese agriculture

Tìm hướng gia tăng giá trị sản phẩm

05/03/2021 2196 views

TTH - Tại hội nghị triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018- 2020 do UBND tỉnh tổ chức sáng 20/9, những băn khoăn về lựa chọn sản phẩm, lợi thế so sánh, đăng ký thương hiệu, bảo hộ sản phẩm… đã được các đại biểu chia sẻ với mục tiêu phát huy các sản phẩm truyền thống và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tạo việc làm, tăng thu nhập
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Sỹ Nguyên thông tin, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, hạn chế việc di cư dân số từ nông thôn ra thành thị, giữ gìn ổn định xã hội khu vực nông thôn. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội nghị triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm

Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy chỉ đạo “phấn đấu đến năm 2020 có 61 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM”. Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm được Tỉnh ủy chỉ đạo là “Phát triển ngành nghề thủ công truyền thống gắn với việc xây dựng mỗi làng một nghề và sản xuất công nghiệp ở các địa bàn có điều kiện để nâng cao thu nhập cho người dân; khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nghiệp ở nông thôn; thúc đẩy liên kết giữa các hộ sản xuất thành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác; HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến nhằm làm rõ hơn những lợi thế so sánh của từng loại sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và định hình trong lòng người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà cho biết, trên địa bàn có khá nhiều sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, người sản xuất vẫn đang còn lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu và vẫn mãi gặp điệp khúc “được mùa- mất giá”, chưa có đầu ra. “Chính sách có nhưng tiếp cận, thu hút nguồn lực từ chính sách này rất khó. Nên chăng cần có sự chung tay của các sở, ngành, địa phương hỗ trợ người dân. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với chăm lo đầu ra đang là trở lực lớn của người dân hiện nay, nên cần thiết phải chọn đúng những sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu, tránh đầu tư dàn trải”- bà Hương khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Huế có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa có sản phẩm phục vụ du lịch một cách bài bản, quy mô. Ông Phúc cho rằng, OCOP là cơ hội để các địa phương xúc tiến xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu vùng miền, trong đó có việc xây dựng một số làng nghề truyền thống có sản phẩm gắn với các tour tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch mua sắm...

Ông Mai Quốc Bảo, Giám đốc nhãn hiệu trà vả Lộc Mai cho rằng, để có được thương hiệu như hôm nay, công ty đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành công thương, khoa học công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng lãnh đạo huyện Phú Lộc. Hiện tại, sản phẩm thương hiệu Lộc Mai đã đủ tiêu chuẩn vào các hệ thống phân phối sản phẩm tại các siêu thị. Khi tham gia OCOP, Lộc Mai mong muốn các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hỗ trợ ban hành bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm hướng tới sản phẩm đạt chất lượng quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (bìa trái) trao đổi với Giám đốc nhãn hiệu trà vả Lộc Mai bên hành lang hội nghị

Chọn sản phẩm lợi thế để đầu tư nâng cấp

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng NTM, là động lực cho phát triển bền vững. Các sản phẩm OCOP phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường. OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu. Trong đó, chủ thể thực hiện là hộ gia đình, HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách.

Để triển khai hiệu quả OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu UBND tỉnh chọn bước đi, lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm của xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Các địa phương khi triển khai chương trình phải có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đưa OCOP và nghị quyết và mỗi địa phương phải xem đây là chương trình trọng điểm trong xây dựng NTM.

“Các sở, ban, ngành cần sớm ban hành các quy định, quy trình và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP. Đồng thời, chỉ đạo các khâu sản xuất sản phẩm OCOP phải được ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là khâu chế biến, mẫu mã bao bì sản phẩm; xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ phát triển, hỗ trợ tài chính, xúc tiến thương mại cho Chương trình OCOP để giới thiệu sản phẩm đến các tỉnh thành trong nước”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Toàn tỉnh hiện có 78 sản phẩm OCOP có thế mạnh, đa dạng với 6 nhóm sản phẩm; trong đó, nhóm thực phẩm có 43 sản phẩm (55,1%), nhóm đồ uống có 6 sản phẩm (7,7%), nhóm thảo dược có 2 sản phẩm (2,6%), nhóm vải và may mặc có 5 sản phẩm (6,4%), nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 19 sản phẩm (22,4%) và nhóm du lịch nông thôn có 3 sản phẩm (3,8%). Ngoài ra, có hơn 5.500 chủ thể kinh tế tại địa phương đang sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: Thái Bình

Share:
Top