Nong Nghiep So

Raising the value of Vietnamese agriculture

Ứng dụng công nghệ gắn với chuyển đổi số để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh ở tỉnh Thừa Thiên Huế

21/01/2022 2088 views

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, ngày 19/01/2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Số tổ chức Hội nghị triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ nông thôn thông minh để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh với đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế” do Hợp tác xã Nông nghiệp Số là đơn vị chủ trì và KS. Lê Anh Hoàng làm chủ nhiệm đề tài.

Tham dự có đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành; UBND các huyện/thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Thuỷ; Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện/thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Thủy; UBND các xã. Về phía Sở KH&CN có Lãnh đạo Sở, đại diện lãnh đạo các phòng và đơn vị trực thuộc Sở. 

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, theo chủ trương của tỉnh, trong đó đặc biệt là chương trình chuyển đổi số và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý Nhà nước, xã hội và sản xuất kinh doanh ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực. Theo đó, tỉnh đặc biệt quan tâm việc nghiên cứu ứng dụng các dịch vụ nông thôn thông minh để xây dựng mô hình xã thông minh theo đặc thù của Thừa Thiên Huế và đã chọn 2 xã Vinh Hưng và xã Quảng Thọ để làm thí điểm. Với sự hỗ trợ của các ngành thông tin truyền thông, khoa học, nông nghiệp và một số chương trình của Văn phòng Nông thôn mới của Trung ương đặc biệt quan tâm hỗ trợ; hiện nay, một số xã cũng đã bắt đầu tiếp cận đến mô hình này. Với bản chất là ứng dụng CNTT, ứng dụng các công nghệ gắn với chuyển đổi số trong vận hành, điều hành hoạt động giúp chính quyền quản lý xã hội, sản xuất, dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, đồng bộ, công khai và minh bạch. Đây là đề tài được nhiều địa phương trên địa bàn quan tâm với tính ứng dụng cao, vì vậy qua Hội nghị này, Giám đốc Sở đề nghị đơn vị chủ trì cần có những pháp mở trong quá trình triển khai đề tài, hướng đến gắn kết các dịch vụ vào hệ thống xã thông minh này; đồng thời phải giải quyết được cơ bản những vấn đề then chốt nhất của cấp xã. Ngoài ra, đơn vị chủ trì cần tiếp thu, lấy ý kiến từ các chuyên gia giúp xây dựng hệ thống một cách bài bản, có tính đồng bộ, đưa ra các giải pháp mang lại hiệu quả hữu ích. 

Đề tài được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu và triển khai ứng dụng các dịch vụ nông thôn thông minh sử dụng các tiến bộ của công nghệ số trong quản lý các mặt hoạt động chính của nông thôn theo mô hình nông thôn mới với các đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế, hướng đến xây dựng mô hình “xã nông thôn mới thông minh”. Cụ thể, phân tích được mô hình dịch vụ nông thôn thông minh và các đặc điểm của xã đạt chuẩn nông thôn mới tại Thừa Thiên Huế để phát triển mô hình xã thông minh định hướng xã nông thôn mới thông minh. Từ đó, triển khai được các ứng dụng dịch vụ nông thôn thông minh cho các hoạt động quản lý nông thôn ở cấp xã như hệ thống hỗ trợ điều hành và quản lý sản xuất nông nghiệp; hệ thống quan trắc môi trường không khí/nước; phần mềm tương tác chính quyền và người dân nông thôn; và hệ thống quảng bá du lịch ở xã bằng công nghệ VR3D. Ngoài ra, xây dựng được bộ tiêu chí xã thông minh, với định hướng xã nông thôn mới thông minh, dựa trên phân tích đặc thù của địa phương, trong đó tích hợp các yêu cầu của mô hình “Xã thông minh” của Bộ Thông tin và Truyền thông và mô hình nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu, kết hợp với các định hướng phát triển chuyển đổi số cho khu vực nông thôn.  

Đại diện đơn vị chủ trì báo cáo nội dung triển khai đề tài.

Trong thời gian 18 tháng (01/2022-6/2023) triển khai, đề tài tập trung thực hiện các nội dung như nghiên cứu và phân tích mô hình dịch vụ nông thôn thông minh và các đặc điểm của xã đạt chuẩn nông thôn mới tại Thừa Thiên Huế để định hướng phát triển mô hình xã nông thôn mới thông minh; Nghiên cứu, hoàn thiện một số ứng dụng dịch vụ nông thôn phục vụ xây dựng mô hình “xã nông thôn mới thông minh”; Triển khai thí điểm các ứng dụng dịch vụ nông thôn thông minh tại một số xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Vinh Hưng, xã Quảng Thọ);  Đề xuất chính sách, định hướng áp dụng mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2022 -2025;  Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề tài.  

Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận “Giới thiệu Chương trình Nông thôn thông minh - Kinh nghiệm từ quốc tế”; “Mô hình triển khai xã thông minh tại Quảng Thọ - Từ lý luận đến thực tiễn”, “Xây dựng kiến trúc xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế”. Các tham luận đã nêu những vấn đề giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về mục tiêu hướng đến của đề tài này. Để góp phần giúp đề tài triển khai theo đúng tiến độ và hiệu quả trong thời gian tới, trong phần thảo luận, nhiều ý kiến góp ý, đề xuất đã được đưa ra. Trong đó cần nâng cao hạ tầng, bám vào các dịch vụ nông thôn thông minh làm trọng điểm; đồng thời phải đồng bộ các mô hình dùng chung góp phần tháo gỡ những khó khăn trong việc quản lý Nhà nước ở các cấp.  

Thay mặt lãnh đạo Sở, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Kim Tùng mong muốn ban chủ nhiệm đề tài và các đơn vị liên quan tích cực phối hợp thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của đề tài, tạo ra được mô hình mới, sản phẩm mới cho các địa phương để kịp thời thích ứng với quá trình chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ như hiện nay. 

Một số hình ảnh khác:

 

 

 

 

 
Theo Nhật Trinh
Share:
Top