Nong Nghiep So

Raising the value of Vietnamese agriculture

Ứng dụng đồng bộ giải pháp quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản cho hợp tác xã/ tổ hợp tác vùng cao

07/07/2021 2718 views

“Không sử dụng thành thạo smartphone thì làm sao mà biết ghi chép nhật ký canh tác”

“Ghi chép bằng sổ giấy có khi dễ hơn ghi bằng ứng dụng di động”

“Không biết cách tải và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại như thế nào cả”

“Phức tạp lắm, chúng tôi không làm được đâu”

    Đó là một trong rất nhiều câu hỏi mà chúng tôi nhận được từ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) vùng cao đặt ra trước khi triển khai chương trình đào tạo về “ứng dụng đồng bộ giải pháp quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản cho hợp tác xã/tổ hợp tác”.

    Trở lại cung Đường 6, nơi ghi dấu hành trình khởi nghiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp Số với nhiều kỷ niệm về những ngày đầu đi thực địa và tiếp cận với các cô chú nông dân để đưa các giải pháp công nghệ thông tin để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Trải qua 05 năm, đến nay đã có hàng trăm HTX/THT trên địa bàn 03 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên được tiếp cận và ứng dụng đồng bộ giải pháp quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Các công nghệ số mà HTX Nông nghiệp Số cung cấp cũng đã được cải tiến và tối ưu theo thời gian. Tuy nhiên, các HTX/THT được ứng dụng giải pháp đều có trình độ và khả năng tiếp nhận công nghệ tốt nên việc bàn giao hướng dẫn dường như không gặp vấn đề khó khăn nào. Thậm chí nhiều đơn vị chỉ cần hướng dẫn online là đã có thể sử dụng và vận hành thành thạo hệ thống. Lần này đối tượng áp dụng hoàn toàn khác, các HTX/THT với hầu hết các hộ thành viên là đồng bào dân tộc, sử dụng điện thoại còn chưa thành thạo, chưa biết cách sử dụng các ứng dụng nào khác ngoài việc nghe gọi, nhắn tin và zalo. Khi đến với một giải pháp công nghệ mới, trên ứng dụng mới, việc tiếp cận và thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong 02 ngày (ngày 1/7 và 2/7), Hợp tác xã Nông nghiệp Số đã đào tạo và hướng dẫn trực tiếp cho Hợp tác xã rau an toàn An Tâm (Mộc Châu, Sơn La) và Tổ hợp tác rau an toàn Bó Nhàng (Vân Hồ, Sơn La). 

Một số hình ảnh tập huấn tại HTX rau an toàn An Tâm

     Bước vào đầu buổi tập huấn, các nông hộ còn rất e ngại và lóng ngóng khi sử dụng ứng dụng và đặt ra rất nhiều câu hỏi, chủ yếu là hoài nghi về khả năng sử dụng công nghệ của chính mình. Tuy nhiên, bằng giải pháp xây dựng hệ thống số hóa đồng bộ dữ liệu và đào tạo tương tác, cụ thể như:

  • Xây dựng giải pháp số hóa quy trình sản xuất: Các nông hộ ghi chép nhật ký theo lô thửa, sản phẩm được phân công, các công đoạn đều được thiết lập sẵn nên chỉ cần tích chọn làm gì, thời điểm nào trên ứng dụng di động là hoàn thành.

  • Các dữ liệu nhật ký sản xuất đều được đồng bộ lên hệ thống phần mềm của HTX/THT để quản lý, truy xuất nguồn gốc và in tem.

  • Thực hiện hướng dẫn các nông hộ tải ứng dụng, cài đặt ứng dụng, đăng nhập ứng dụng và ghi nhật ký.

  • Giải đáp các vấn đề thắc mắc của các nông hộ trong quá trình thực hành.

     Sau buổi tập huấn, chúng tôi nhận thấy sự quyết tâm ở lãnh đạo HTX rau an toàn An Tâm, tổ trưởng THT rau an toàn Bó Nhàng để ứng dụng công nghệ số một cách đồng bộ và bài bản vào hoạt động sản xuất. Sự rất hào hứng khi được làm chủ công nghệ mới của các cô chú nông dân và điều đó đồng nghĩa với những câu hỏi thắc mắc, hoài nghi về khả năng ứng dụng công nghệ cũng đã được giải đáp.

 Hình ảnh tập huấn cho THT ran an toàn Bó Nhàng tại UBND Huyện Vân Hồ

    Chương trình tập huấn do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc (NOMAFSI) tổ chức, một đối tác đang tham gia dự án “Chuỗi cung ứng lạnh có vai trò thiết yếu để nhân rộng sản xuất rau an toàn tại Sơn La”, nhằm hỗ trợ các Hợp tác xã/Tổ hợp tác sản xuất rau chuyển dần sang cách ghi nhật ký điện tử, tích hợp quy trình truy xuất nguồn gốc với việc sử dụng tem nhãn. Ngoài các cơ sở sản xuất, còn có sự tham gia của cán bộ quản lý 2 huyện, cán bộ khuyến nông,… để có thể hỗ trợ tốt hơn cho các HTX/THT.

     Kết thúc chuyến đi, chúng tôi tự hào khi góp phần nhỏ vào sự phát triển và cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc. Trong giai đoạn tiếp theo, ngoài giải pháp công nghệ của Nông nghiệp Số, còn có sự tư vấn và hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc, sẽ có thêm nhiều HTX/THT được tiếp cận và ứng dụng đồng bộ giải pháp quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc.

Ban Truyền thông HTX Nông nghiệp Số
Share:
Top